Hãy chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thật tốt trong những ngày Hè nóng bức!

Yến Loan
Tháng 3 20, 2024
Đoạn code tin nhắn Opt-in:
Chia sẻ

Thời tiết nóng bức, hanh khô của mùa Hè khiến cơ thể chúng ta dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Nếu không chăm sóc sức khỏe đúng cách, thể trạng giảm sút có thể ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Đây cũng là lúc thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, dễ bùng phát bệnh truyền nhiễm... Việc bảo vệ sức khỏe trong mùa hè rất quan trọng, vậy làm thế nào để có thể bảo vệ sức khỏe khi mùa hè đến? Sau đây là 7 nguyên tắc vàng trong việc chăm sóc cơ thể để đảm bảo có sức khỏe tốt trong ngày Hè:

1. Cung cấp đủ nước cho cơ thể:

Thời tiết mùa hè có nhiệt độ cao, con người lại phải vận động liên tục dễ khiến cho cơ thể bị mất nước. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng mọi người nên chủ động uống nước để đảm bảo lượng nước trong cơ thế, không nên đợi đến khi khát mới uống.

Uống nhiều nước, tối thiểu 1,5 - 2 lít nước/ngày, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nên uống bổ sung các loại nước giúp giải nhiệt như nước chanh, cam, nước dừa tươi, nước rau má, nước đậu đen, nước rễ cỏ tranh râu ngô, nước atiso... pha thêm một ít muối ăn hoặc nước oresol.

Tuy nhiên vào mùa hè, để giải tỏa cảm giác nóng nực, nhiều người lại lựa chọn uống nước đá hoặc nước ướp lạnh liên tục trong ngày. Việc uống nước lạnh liên tục làm cho cuống họng và hệ tiêu hóa không thoải mái, dẫn đến các phản ứng đau họng, viêm họng và khó tiêu. Vì vậy cần hạn chế uống nhiều nước đá, nước lạnh dễ gây viêm họng. Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn hay cà phê vì chúng làm tăng tình trạng mất nước.

lua-chon-nuoc-uong-1.jpg

2. Chế độ ăn uống hợp lý:

Trong chế độ ăn uống, yếu tố đầu tiên là mọi người nên ăn chín, uống sôi để giữ vệ sinh vì thời tiết nắng nóng là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển. Đồ ăn, thức uống trong mùa hè rất dễ bị nhiễm khuẩn, hư hỏng nếu chế độ bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Do đó, cần lưu ý đến chọn thực phẩm tươi sống, sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh. Để tăng cường sức khỏe trong mùa hè, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nên chọn các loại thực phẩm mát, có tính hàn. Cách nấu nướng cũng chú ý nên hạn chế chiên xào nhiều mỡ, nhiều gia vị cay... dễ khiến bạn bị nóng trong người.

Tránh ăn đồ vỉa hè: Hãy hạn chế ăn thực phẩm bán ở các hàng quán lề đường vì các thực phẩm này có thể không hợp vệ sinh và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Vi khuẩn và mầm bệnh thường sinh sôi phát triển nhanh trong thời tiết nóng.

3. Ăn nhiều trái cây:

Việc bổ sung những loại trái cây giải nhiệt vào mùa hè nóng bức, giúp cơ thể thanh nhiệt là điều rất cần thiết. Bạn nên ăn các loại trái cây như dưa hấu, cam, đào, dứa... sẽ giúp cơ thể giảm nóng. Các loại hoa quả này cũng giàu vitamin C, giúp cơ thể giữ nước.

Ăn nhiều quả mọng: Các loại quả mọng như dâu, việt quất, mâm xôi rất giàu các chất chống oxy hóa mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe làn da và giúp chống lại nhiều loại bệnh.

10 mẹo giữ gìn và bảo vệ sức khỏe vào mùa hè

Hãy dùng ít nhất một khẩu phần trái cây trong ngày hoặc một ly nước ép trái cây sẽ rất tốt cho cơ thể trong mùa hè oi bức này.

4. Không thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột:

Cần lưu ý không nên thay đổi nhiệt độ thân nhiệt một cách đột ngột, đó là cách bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, chẳng hạn như: Mọi người khi đang ở ngoài trời nắng nóng không nên bước vào phòng có máy lạnh ngay hoặc ngược lại, bởi môi trường ở nhiệt độ cao, cơ thể đổ nhiều mồ hôi sẽ khiến các lỗ chân lông trên da mở, khi tiếp xúc môi trường ở nhiệt độ thấp nhanh rất dễ bị cảm lạnh.

Cơ thể mỗi người là khác nhau, người có sức khỏe yếu dễ sốc nhiệt dẫn đến ngất xỉu, choáng váng... Cách để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng không bị sốc nhiệt, khi ở ngoài vào phòng thì phải bật máy điều hòa nhiệt độ lạnh từ từ, hoặc ngồi nghỉ ngơi một khoảng thời gian ở chỗ mát rồi mới vào phòng lạnh.

Cần lưu ý, về nhà không nên tắm ngay, khi đã có một ngày hoạt động ngoài trời nắng nóng, cũng không nên tắm quá nhiều lần trong ngày. Cần nghỉ ngơi trong vòng 30 phút để mồ hôi khô rồi tắm, tránh tình trạng nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe không tốt.

5. Tập thể dục thường xuyên:

Tập thể dục khi trời nóng là một thách thức, nhưng duy trì việc tập luyện thường xuyên, đúng cách sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng, phòng tránh các vấn đề sức khoẻ dễ gặp vào mùa hè. Trước tiên, bạn cần lựa chọn thời điểm phù hợp để luyện tập. Thay vì tập vào những giờ nắng gắt trong ngày (từ 10h sáng đến 3 giờ chiều), bạn có thể tập trước 9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều để giúp cơ thể khỏi mất sức. Đặc biệt, tập thể thao lúc sáng sớm mùa hè rất có lợi cho sức khỏe.

Tập thể dục mùa hè: Những điều nên và không nên làm

Mặc quần áo cotton nhẹ sẽ giúp da được hô hấp và giảm sự toát mồ hôi, giảm nguy cơ gặp phát ban mùa hè. Bạn cũng nên bổ sung nước trước và sau khi tập thể thao. Không nên tắm nước lạnh và dùng thực phẩm lạnh ngay sau khi tập. Ưu tiên các môn thể thao trong nhà và dưới nước khi tập luyện vào mùa hè.

6. Tránh xa ánh nắng:

Nên tìm các bóng cây để trú nắng. Nếu bạn bắt buộc phải ra nắng thì cần đảm bảo chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng, đội nón, áo khoác... 

Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

7. Giữ nhà cửa thông thoáng:

Cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà. Cửa sổ mở sẽ giúp điều hòa không khí tự nhiên, đưa nhiệt ra ngoài và gia tăng luồng luân chuyển không khí trong nhà.

9 cách giúp nhà thoáng mát hiệu quả vào mùa hè

Bạn cũng có thể để cửa sổ mở nguyên đêm nhưng tất nhiên là phải cẩn trọng an ninh. Bật quạt hoặc máy điều hòa không khí nếu có và lưu ý tắt hết đèn, các thiết bị điện không cần thiết vì các thiết bị này tỏa nhiệt nóng.

Một số nguyên tắc chung cần thực hiện giúp bảo vệ sức khỏe của cả gia đình trong mùa nắng nóng

Với trẻ nhỏ: 

Thời tiết nắng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm như: Viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, rôm sảy, chân tay miệng, Rubella... Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ ăn kem, uống nước đá lạnh. Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý, không để điều hòa phả thẳng vào người các bé.

Hạn chế cho trẻ ra nắng, đi bơi vào những thời điểm nắng nóng đỉnh điểm (khoảng từ 9h sáng tới 4h chiều). Cho trẻ ngủ màn và tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.

Đối với người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, người đang điều trị bệnh... nếu nắng nóng khiến bệnh cũng rất dễ trở nặng. Vì vậy, việc tái khám, dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ là vô cùng cần thiết. Cần chú ý, tránh ra ngoài trời vào những giờ cao điểm nắng nóng; ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; tránh xúc động mạnh.

Đối với người phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, không thuận lợi: Những người làm việc ngoài trời, trong những khu vực nóng và môi trường nắng nóng... dễ bị kiệt sức, say nắng, say nóng. Vì vậy, cần hết sức lưu ý đề phòng bằng cách chú ý các biện pháp bảo vệ da, bảo vệ cơ thể khỏi nắng nóng; bổ sung chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng; chú ý uống đủ nước để phòng mất nước.

Những người ở khu vực đô thị:

Những người sống ở khu vực thành thị cũng dễ bị tổn thương do nắng nóng so với khu vực khác. Nguyên nhân là do hiệu ứng bê tông khiến nhiệt độ ở thành phố cao hơn nhiệt độ của thời tiết, trong khi vào ban đêm lại có hiệu ứng "đảo nhiệt", tức là nhiệt độ giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

Theo báo: Suckhoedoisong.vn; Moitruong.net.vn


Cũ hơn Bài viết tiếp theo